Từ phong vị báo Xuân xưa

Phạm Công Luận cho biết ý tưởng viết cuốn Sài Gòn phong vị báo Xuân xưa bắt đầu từ lúc ông tìm tư liệu cho các cuốn biên khảo về Sài Gòn xưa mà ông đang thực hiện. Khi xem tờ Nam Phong Tết Mậu Ngọ (1918), tờ báo tạm thời được xem là số báo Xuân đầu tiên của Việt Nam, ông nảy ra ý tưởng là đào sâu về chủ đề giai phẩm xuân trên báo chí tiếng Việt từ khi mới hình thành, nhất là trong bối cảnh báo chí trên thế giới có lẽ chỉ duy nhất chỉ ở Việt Nam mới có riêng tờ báo Xuân.

Tác giả Phạm Công Luận qua nét vẽ họa sĩ Đức Lâm

Cuốn Sài Gòn phong vị báo Xuân xưa được tác giả bắt đầu từ tờ Phụ Nữ Tân Văn số xuân Canh Ngọ năm 1930. Tờ báo này sau khi phát hành đã tạo sức hút với bạn đọc và góp phần thúc đẩy trào lưu làm báo Xuân tại các toà soạn báo khác ở Sài Gòn. Từ đó, những giai phẩm Xuân ra dịp sát Tết trở thành một trong những món ăn tinh thần quan trọng của đại bộ phận cư dân xứ sở này, đặc biệt là thị dân Sài Gòn.

Tác giả Phạm Công Luận nguyên là Phó Tổng Biên tập báo Sinh viên- Hoa học trò, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong. Ngoài công việc chuyên môn, ông còn là tác giả của hơn 20 đầu sách biên khảo về Sài Gòn rất ăn khách như: Sài Gòn - Chuyện đời của phố, Trên đường rong ruổi, Lạc giữa nhân gian, Những lối về ấu thơ, Nếu biết trăm năm là hữu hạn; Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, Sài Gòn- Gia Định- Chợ Lớn- Ký ức rực rỡ...

Theo tác giả, đọc báo Xuân, mới thấy ngày xưa chuyện ăn Tết, thưởng Xuân rất được coi trọng. Trên mỗi tờ báo đặc biệt nhất trong năm này luôn có những bài vở mang nặng hoài niệm, hồi tưởng những cái Tết đã qua ở mọi hoàn cảnh. Tết trong tù đến Tết trong vùng kháng chiến, Tết ở đảo xa cho đến Tết trên miền thượng du… Còn có những bài phản ánh cái Tết của mọi tầng lớp trong xã hội, từ giới làm báo, giới nghệ sĩ, giới chính khách… bên cạnh chuyện ăn Tết của người nghèo, người tha hương. Tuy báo Xuân xưa vẫn có những bài đề cập đến tình hình chính trị hay chiến sự nhưng không nhiều, vì đó là nội dung đã đưa quanh năm và luôn lạc hậu khi báo Xuân ra đời. Mặt khác, vì là số báo đặc biệt mang tính “nhìn lại”, tâm tình, hoài niệm nên các bài viết hồi ký, tuỳ bút, kể chuyện xưa đậm chất đời thường được ưu tiên, ít nhiều giúp bạn đọc lãng quên thực tại đầy những ưu phiền lo lắng thời chiến tranh. Điều đó tạo nên sự hấp dẫn của báo Xuân xưa.

Mỗi tờ báo Xuân ra đời, bên cạnh sự phong phú về nội dung, còn mang những nét thú vị về hình thức. “Bên cạnh các bài viết công phu, những giai thoại độc đáo, thú vị về các nhà báo lớn và có cá tính của làng văn, làng báo Việt như Tản Đà, Phan Khôi, Nguyễn Bính... thì dấu ấn mạnh mẽ nhất của các tờ báo Xuân chính là bìa báo. Những dung nhan của giai nhân, dù là minh họa hay là ảnh chụp luôn chiếm vị trí nổi bật trên bìa báo với gương mặt tươi tắn, mang đậm nét đẹp truyền thống làm tăng thêm sức sống, sự trong trẻo và dịu dàng cho mỗi bìa báo Xuân. Vì thế, rất nhiều gia đình coi các tờ báo Xuân như là một món quà không thể thiếu trong đời sống văn hoá vào mùa Xuân”.

Trang bìa báo Xuân của tờ Phụ Nữ Tân Văn năm 1933

Cho tới những tranh biếm hoạ của một thời

Tiếp nối cuốn Sài Gòn phong vị báo Xuân xưa, đầu năm 2024 Phạm Công Luận ra mắt cuốn Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975. Theo tác giả, biếm họa bao gồm tranh vui, tranh châm biếm, hí họa chân dung… được thể hiện từng tranh đơn hay cả chùm tranh có thể chiếm một góc nhỏ hay thậm chí chiếm đến một hai trang báo. Tranh biếm họa thường ít chú thích với nội dung để châm biếm mỉa mai một hiện tượng xã hội hay con người cụ thể, có khi chỉ để cười vui.

Năm 1922, khi ra mắt tờ báo Le Paria (Người cùng khổ), Nguyễn Ái Quốc đã đánh giá cao thể loại báo chí biếm họa khi người đã vẽ những bức tranh biếm họa để đả kích, lên án chế độ thực dân Pháp. Những bức biếm họa được thể hiện giản dị song hàm chứa nội dung mạch lạc và sự đả kích, hài hước sâu xa, tạo hiệu ứng tích cực với người đọc.

Trong cuốn sách mới này, Phạm Công Luận tiếp tục gây sự chú ý khi đưa ra nhiều tư liệu để dẫn chứng từ việc khi người Pháp khi đến xứ Việt, trong quá trình thuộc địa hoá họ đã đưa báo chí tiếng Pháp đến hoặc thực hiện báo tiếng Pháp ngay tại Đông Dương. Người Pháp dùng biếm họa - một thể loại báo chí được ưa chuộng tại chính quốc của họ để nói lên những bức xúc, để cười cợt châm biếm hoặc phê phán những điều chướng tai gai mắt ở nhiều lãnh vực tại xứ thuộc địa. Nổi bật là tờ họa báo ra hằng tuần Le Cri de Saigon (Tạm dịch: Tiếng than thở của Sài Gòn) của ông Piere Jeantet, mỗi số đều đưa hẳn ra trang bìa một bức tranh biếm về đời sống chính trị ở Đông Dương. Năm 1912, cuốn sách biếm họa La vie Large des Colonies (tạm dịch: Muôn màu cuộc sống thuộc địa) của ông André Joyeux ra đời tại Pháp gây xôn xao dư luận tại đây và ở các nước thuộc địa. André Joyeux cũng là tác giả cuốn sách biếm họa khác mang tựa khá hấp dẫn cho những ai quan tâm đề tài Sài Gòn, đó là cuốn Silhouette Saigonaises (Tạm dịch: Hình bóng người Sài Gòn) bao gồm 22 tranh, xuất bản tại Sài Gòn năm 1909 trước đó. Cuốn sách này, cùng với các tờ báo tiếng Pháp đã giúp đội ngũ làm báo người Việt tiếp cận một thể loại tranh có sức nặng biểu đạt, nêu bật những vấn đề đặt ra cho xã hội, mạnh dạn giễu cợt những thói hư tật xấu, từ đám quan chức thuộc địa đến giới nhà giàu Việt. Báo chí tiếng Pháp xuất bản ở Sài Gòn vào thập niên 1930 tiếp tục chú trọng việc mượn biếm họa để nói lên quan điểm của tòa báo.

Theo khảo cứu của Phạm Công Luận, bức biếm họa tạm gọi là sớm nhất của báo chí miền Nam là tờ Đông Pháp Thời báo của ông Nguyễn Kim Đính ra ngày 17/7/1925. Tới năm 1932, tại miền Bắc, báo Phong Hóa ngay từ số đầu đã thể hiện là tờ báo trào phúng, có nhiều tranh biếm được đăng từ bìa vào trong. Cùng thời gian đó, báo chí Sài Gòn vẫn có biếm họa xuất hiện rải rác trên các tờ như Phụ Nữ Tân Văn, Công Luận, Zân Báo….

Cuốn Sài Gòn phong vị báo Xuân xưa

Thời kỳ phát triển nhất của biếm họa chỉ bắt đầu từ khoảng đầu thập niên 1960. Từ thời kỳ này, các họa sĩ vẽ tranh vui và biếm họa cho báo chí đã say sưa vẽ dưới ánh đèn điện vàng, trong tiếng đại bác dội về từ ngoại thành, nhiều lần phải cắn bút, trăn trở tìm ý tứ để mỗi ngày trình làng những bức tranh bút sắt trên các nhật báo. Họ chia sẻ nỗi lo lắng cùng người dân khi nghe tin tăng thuế, khi kinh tế đi xuống, chính sách thắt lưng buộc bụng... Họ cười cợt với những thói hư tật xấu và cũng giúp mọi người nhận ra chân giá trị cuộc sống, chỉ ra những ai đang muốn tàn phá nó và những gì mọi người cần phải thay đổi trong căn tính để sống đàng hoàng hơn, thân ái và đồng cảm với nhau hơn.

Phạm Công Luận chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi, những đứa trẻ sinh đầu thập niên 1960 ở miền Nam chỉ có thể tiếp cận môn hội họa từ vài bài tập vẽ ở trường, từ những tranh dành cho thiếu nhi hoặc từ vài tập tranh can lại truyện tranh nước ngoài. Bao nhiêu đó không đủ thỏa mãn thú xem tranh vẽ của chúng tôi, để rồi đến lúc nào đó, chúng tôi khám phá sự hấp dẫn của tranh vui và biếm họa trên báo. Lớn lên, đi làm báo và viết sách, đọc nhiều, tôi chợt nhận ra hầu như sau này người ta quên dần các họa sĩ vẽ tranh vui và biếm họa tài năng ngày xưa. Chỉ có hai cái tên được nhắc lại thường xuyên là Chóe và Ớt. Họ là những họa sĩ biếm hàng đầu của miền Nam, nhưng đâu chỉ có thế. Biếm họa báo chí Sài Gòn trước 1975 là cả một khoảng trời và trên đó có rất nhiều ngôi sao lớn nhỏ khác nhau, phát ra những luồng ánh sáng riêng biệt, rất lạ và rất đẹp”.

Trong quá trình nghiền ngẫm báo chí xưa, anh nhận ra hiện nay biếm họa báo chí đang ngày càng đánh mất vị trí trên báo chí nói chung. Những tờ báo chuyên về biếm họa còn mỗi một tờ (Tuổi trẻ Cười), và những trang có biếm hoạ trên các tờ báo gần như không có. Sự thiếu vắng mảng biếm họa đầy tính châm biếm và phê phán đã làm giảm đi rất nhiều tính đấu tranh của báo chí.

Trọng Thịnh